Nữ giới trong lĩnh vực STEM

Gần đây mình có nhận được lời mời làm diễn giả cho talkshow của TEDx HCMUS, nội dung về “Nữ giới trong môi trường STEM”. 

Ban đầu mình đã đồng ý tham gia tuy nhiên đến phút chót bị đi tiêm vắc xin và ngại chuyện ảnh hưởng đến chương trình nên mình đã đề nghị các bạn tìm khách mời khác. 

Về chủ đề này, mình cũng thấy khá là thú vị và cả bias nữa. Mình có từng nghĩ qua khi nhận nội dung là các câu hỏi từ chương trình. 

Chương trình thì đã diễn ra với khách mời khác rồi, nên mình mới chia sẻ các tìm hiểu và ý kiến của mình trên blog cá nhân. 

Đây chỉ là ý kiến chủ quan của mình thôi, hi vọng sẽ mang đến một góc nhìn nào đó về vấn đề này.

Những thứ trên mạng nói về vấn đề này

Thực trạng STEAM vắng bóng nữ giới

Theo nghiên cứu của UNESCO – 2018, phụ nữ chiếm 29% tổng nhân lực nghiên cứu toàn cầu.

Nguyên nhân

Có phải nữ không phù hợp với lĩnh vực này?

Không phải nha.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra nữ giới không hề thua kém về mặt tư duy cũng như khả năng tiếp thu và xử lý các vấn đề.

Thậm chí ở cấp học thấp, nữ còn có kết quả học tập các môn STEM cao hơn so với nam nhờ tính cẩn thận, tỉ mỉ.

Có phải do thành kiến của xã hội?

Có một phần nha.

– Khuôn mẫu của giới nữ làm mất đi tính chủ động sáng tạo rất cần thiết trong lĩnh vực STEAM

Có phải bị cản trở trong môi trường học tập, làm việc

Có một phần nha.

– Các định kiến về giới: như phân ban khoa học tự nhiên giành cho nam, ban xã hội giành cho nữ, hay mặc định nam giới sã theo đuổi khoa học kỹ thuật còn nữ giới sẽ theo đuổi nhân văn, nghệ thuật.

– 50% phụ nữ làm việc trong ngành STEM bị phân biệt đối xử qua nhiều hình thức: trả lương thấp hơn nam giới, coi thường năng lực vì giới tính, ít nhận được sự quan tâm từ cấp lãnh đạo.

Theo Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ, khoảng một nửa phụ nữ trong lĩnh vực STEM coi phân biệt đối xử là yếu tố khiến giới nữ hạn chế tham gia lĩnh vực này. Các hình thức phân biệt đối xử phổ biến với phụ nữ trong STEM là thu nhập thấp hơn nam giới làm cùng công việc (29%), bị đối xử như thể họ không đủ năng lực vì giới tính của họ (29%), ít nhận được sự hỗ trợ từ lãnh đạo cấp cao hơn so với đồng nghiệp nam cùng vị trí (18%)… 

– Thiếu vắng những người dẫn dắt là nữ giới cũng là một rào cản khi phụ nữ muốn tham gia STEM.

Có phải thiếu hình mẫu để theo đuổi

Có một phần nha.

– Sách giáo khoa các cấp cũng ít thấy các nhân vật là nữ lắm.

– Thực tế nữa là nữ giới ít lên tiếng bảo vệ chính giới của mình.

Các giải pháp được đề nghị

– Thay đổi nhận thức ngay tại trường, lớp, cả sách giáo khoa nữa

– Khuyến khích nữ giới tham gia lĩnh vực này

– Xây dựng các chương trình định hướng nghề nghiệp ngành STEAM

– Xây dựng một nền văn hóa đa dạng trong doanh nghiệp, tích cực hỗ trợ nữ giới nhiều hơn.

– Tích cực chia sẻ về những người nữ thành công trong lĩnh vực. 

Một nghiên cứu của Microsoft chỉ ra, các học sinh, sinh viên nữ thường bị ảnh hưởng rất nhiều từ tấm gương, hình mẫu truyền cảm hứng. Khi được tiếp xúc với những câu chuyện này, các bạn nữ tỏ ra tự tin hơn đối với lĩnh vực mà mình theo đuổi.

Trẻ em gái và phụ nữ cần được tiếp xúc nhiều hơn với các công việc STEM, hình mẫu phụ nữ theo đuổi STEM cũng như được định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực này để có thể theo đuổi sự nghiệp trong STEM.

Và đó là vài nội dung mình tìm được trên mạng, tiếp đến mình sẽ trả lời các câu hỏi trong talk show và nói thêm về trải nghiệm của bản thân nha. Cuối cùng sẽ là ý kiến cá nhân của mình.

Các câu hỏi của talkshow

Có sự chênh lệch khá lớn về tỉ lệ nữ giới trong STEM, có phải vì sự hạn chế về sinh học, thể chất? Hay do định kiến. mindset đến từ cả hai giới đã vô tình tạo ra rào cản cho sự phát triển của họ?

Về sinh học, thể chất: có một phần nha. 

Ví dụ như nữ giới thường yếu đuối hơn nam giới về mặt thể chất, lại có chu kỳ sinh học riêng hàng tháng, và thêm khi trưởng thành cũng trải qua giai đoạn sinh con nữa. 

Về định kiến, mindset đến từ cả hai giới: có một phần nha.

Ví dụ: 

Ngay từ khi mới sinh ra thì gia đình và xã hội đã bị quy định là nữ sẽ chơi búp bê, thích màu hồng, dịu dàng, nết na, lo việc nhà, chăm sóc gia đình, …

Đến khi lớn lên đi học lại chia ra ban tự nhiên, ban xã hội.

Rồi đi làm lại định hướng nữ theo các công việc mang tính chất phù hợp với giới hơn như là bán hàng,  kế toán, du lịch, giáo viên, … 

Bạn thấy đó, những định kiến và mindset nó đã hằn sâu rất lâu, và đã quy định vào cả người nam(trong cách nhìn của họ về người nữ) và người nữ(trong cách nhìn của họ về chính bản thân mình)

Với những nguyên nhân trên, nữ giới cần làm gì để vượt qua các rào cản?
Ví dụ: Về mặt sức khỏe, thể chất thì cần phải học cách balance giữa công việc và sức khỏe như thế nào? Đối với những định kiến tiêu cực thì mình cần tiếp nhận và xử lý ra sao? (ưu tiên những giải pháp mang tính thực tiễn từ chính diễn giả)

Theo mình, để vượt qua rào cản, cách tốt nhất là không để rào cản ảnh hướng đến mình. Và các rào cản này nó giống như lực ma sát vậy, bạn cần làm những điều mà có thể chiến thắng những lực ma sát này.

Về mặt thể chất, nữ giới cần thực sự phấn đấu nỗ lực và tìm cho mình môi trường phù hợp: nơi mà bạn có thể cống hiến hết mình, nơi bạn có thể xin nghỉ ngơi khi cần, nơi những đồng nghiệp thực sự nhìn bạn như một con người bình đẳng với họ, cũng như cho bạn nhiều cơ hội để phát triển bản thân.

Và mình biết có rất nhiều môi trường như vậy, và càng có nhiều môi trường như vậy hơn, như công ty mình chẳng hạn. 

Nếu bạn đủ giỏi, bạn có thể chọn đi hay ở, có thể chọn gắng bó hay buông tay. Khi bạn chủ động thì rào cản không thành vấn đề gì đâu.

Về vấn đề cân bằng giữa công việc và cuộc sống, thì người nữ cần sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, bè nhóm, người đồng hành cùng bạn(chồng, người yêu) rất nhiều. Hãy chọn lựa người phù hợp với mình, đảm bảo rằng họ luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho mình phát triển. 

Ví dụ, khi bạn làm việc mệt rã rời, chồng bạn có thể giúp giữ con và để bạn nghỉ ngơi một tí chứ? Nếu cần ra ngoài tập thể dục hay đi cafe với bạn bè, chồng bạn có thể giúp bạn trông con một buổi chứ? 

Nếu không, thì anh ta hẳn không là người phù hợp với bạn rồi. Vì lĩnh vực này sẽ làm việc rất nhiều đấy.

Chưa kể chuyện nếu lương bạn cao hơn chồng thì sao? Anh ấy sẽ cảm thấy như thế nào về điều này? 

Hãy đặt các câu hỏi và đi tìm lời giải cho nó nhé bạn.

Tại sao một bộ phận nam giới vẫn chưa coi trọng vị trí của nữ giới trong lĩnh vực này?

Như mình nói ở trên, ngay từ đầu cả hai giới đã có những định kiến phân biệt là một phần nguyên nhân của sự chưa coi trọng này. 

Bên cạnh đó, nữ giới cũng đã góp phần gây nên định kiến này, ví dụ như, anh ấy từng trải nghiệm làm việc cùng người nữ nhưng kết quả trong công việc không tốt. 

Cho nên, nếu bạn là nữ và cố gắng làm tốt công việc của mình thôi, bạn cũng đã giúp cải thiện ranh giới của sự phân biệt này rồi. Đơn giản đúng không? Hãy bắt đầu từ chính bản thân bạn.

Hay trong nhiều trường hợp khá nhạy cảm khác, người nữ sẽ chọn gia đình và con cái của họ trước. Đây, ngay chính chỗ này, nếu bạn có một người đồng đội tuyệt vời, một gia đình hỗ trợ bạn thì chính là mấu chốt để giúp bạn vững vàng trong công việc.

Đưa ra những dẫn chứng chứng minh về sự đóng góp của nữ giới trong lĩnh vực STEM không phải là gánh nặng hay sự đe doạ cạnh tranh, mà là sự hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, vì những tính cách, đặc điểm riêng của từng giới nếu được áp dụng phù hợp, sẽ tạo nên thành công

Theo nghiên cứu mình đọc đâu đó thì nhóm làm việc chung cả nam lẫn nữ sẽ có tỉ lệ thành công trong công việc cao hơn nhóm chỉ có nam hoặc nữ. Do đó, sự phong phú về giới trong công việc sẽ tạo thế mạnh cho công ty chứ không phải là yếu tố cản trở đâu.

Sự hỗ trợ của nam giới trong vấn đề này

Nam giới có vai trò rất lớn trong vấn đề này, họ cần có một tư duy cởi mở, một trái tim biết yêu thương và trân trọng những người phụ nữ xung quanh họ, những người chịu nhiều thiệt thòi hơn cả về mặt thể chất lẫn môi trường.

Những người lãnh đạo là nam, những người thực sự ủng hộ sự xuất hiện của nữ giới, bạn sẽ thấy rõ trong cách anh ta cư xử với vợ con và những người xung quanh. Anh ấy có muốn vợ mình có cuộc sống riêng của cô ấy, anh ấy có cổ vũ con gái mình theo đuổi STEM, anh ta có cởi mở lắng nghe những lời chia sẻ từ phái nữ không? 

Bạn là nữ, và bạn có một cái nhìn sâu sắc và nhanh nhạy hơn, hãy cảm nhận và chọn cho mình những người nam xung quanh luôn ủng hộ bạn.

Vì một người có sự phân biệt ngay trong gia đình mình thì liệu có sự công bằng trong công việc? 

Trải nghiệm cá nhân

Chị đã từng trải qua hoặc nghe được những định kiến về giới nào khi làm ở vị trí này?

Hình như chưa :)) Mình bận code quá cũng không để ý lắm đến vấn đề này. 

Nhưng có vài sự kiện sau(mình nghĩ không liên quan về giới):

– Có đợt mình lâu không được tăng lương, sau khi mình sinh con và đi làm lại thì phải, nhưng mình nghĩ đây không phải vấn đề về giới.

– Cũng có đợt mình cần nghỉ về sớm để đón con đi học về.

Chị đã vượt qua bằng cách nào? Kết quả chị đã đạt được?

Vụ lâu rồi không tăng lương ở trên đó, mình đã nhắn tin riêng cho mentor của mình hỏi về vấn đề này, liệu mình có sai sót gì trong công việc, hay do mình training quá lâu, nhắn nhỏ anh ấy là mình muốn vào dự án để có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho công ty. 

Sau đó, mình đã được vào dự án và cũng đã được tăng lương.

Vụ đón con, mình đã nhắn tin cho sếp yêu cầu được nghỉ sớm về đón con và không quên đưa ra các phương án giải quyết mà mình cho là phù hợp: như là giảm lương tương ứng giờ mình nghỉ, hay làm bù vào cuối tuần, làm bù buổi trưa hay tối, … 

Kết quả tất nhiên là mình được phép về sớm đón con, và tranh thủ làm bù vào bất cú khi nào tiện cho mình, miễn sao không ảnh hưởng đến công việc là ổn.

Đợt mình làm tình nguyện cho STEAM, mình cũng đã chủ động nói chuyện với anh leader dự án về vấn đề này trong đợt review cuối năm, mình đã hỏi anh ấy là công ty có ý kiến gì về vấn đề này hay không? Kiểu thế, và mình với anh đã có buổi trò chuyện đầy cởi mở, mình rất vui về điều đó.

Lời khuyên dành cho các bạn nữ khác nếu rơi vào tình huống tương tự

Thường thì phái nữ khá e dè, rụt rè trong việc nói ra các mong muốn của mình. 

Hãy chủ động lên các cô gái!

Cơ hội và lý do cho các bạn nữ nên theo đuổi đam mê trong lĩnh vực STEM: Hiện trạng các công ty đang có xu hướng ưu tiên nữ giới hơn? Những chính sách dành cho các bạn nữ? Những số liệu và dẫn chứng để nhấn mạnh rằng giới nữ vẫn có thể thành công trong lĩnh vực này

Nếu bạn thích logic, toán học, khoa học hay máy tính, hãy dũng cảm theo đuổi nó nhé. Lĩnh vực này vui lắm ấy, các đồng nghiệp nam sẽ chào mừng bạn như thú cưng luôn, và bạn sẽ được tạo điều kiện hết cỡ nha, hãy chọn đúng môi trường cho mình tỏa sáng bạn nhé. 

Thêm nữa, ngành này luôn có mức lương cao hơn trung bình, nếu không nói là cao ấy, nên cuộc sống của bạn cũng sẽ thay đổi rất nhiều. Nếu bạn có thể đánh đổi tất cả để có cuộc sống tốt hơn, hãy theo đuổi bằng sự chăm chỉ của bạn, đam mê nó sẽ tự đến khi bạn giành đủ thời gian và sự tò mò của mình vào lĩnh vực này.

Số liệu gì đó thì bạn có thể tìm trên mạng, cơ mà cũng không cần quan tâm làm gì, cứ làm tới đi bạn.

Ý kiến của cá nhân mình

Giành cho các bạn nữ muốn theo đuổi STEM

Liệu bạn có thể đọc hết những điều ở trên và bỏ chúng qua một bên không?

Theo tớ, những điều trên đúng, là những thứ xã hội đã và đang phân tích về chúng ta, về những con số trong lĩnh vực này, về những chuyện đã và đang xảy ra, tớ không phủ nhận điều đó, và cũng không thể giúp bạn phủ nhận nó.

Nhưng nếu mang trong mình tâm lý của một nạn nhân(victim) thì ngay từ đầu tụi mình đã tự tạo ra các ranh giới cản trở chính mình. 

Cho nên, hãy nhận biết, sử dụng các cơ hội, thế mạnh mà xã hội đang tạo ra cho chúng ta, để tập trung vào những điều thực sự quan trọng như là học tập và nghiên cứu trong các lĩnh vực STEAM mà mình đang theo đuổi. 

Nói đến STEM, cần nói đến sự chủ động và sáng tạo, hứng thú tìm tòi và học hỏi điều mới. Nếu bạn là một người nữ có thiên hướng này, hãy đi về hướng đó, nếu không, hãy chọn hướng khác, điều đó chẳng có gì sai cả. 

Sẽ có những ngành nghề khác có tỉ lệ nữ giới cao hơn rất nhiều, như vậy có tính là bất bình đẳng cho nam giới? Mình nghĩ là không đâu, hãy đi theo thế mạnh và sự vui thích tìm tòi của bạn, dù là bất cứ ngành nghề nào thì nam hay nữ đều bình đẳng ở khía cạnh này. 

Thằng bạn thân mình từng nói vui là: “phân biệt giới là một tội ác. Khi mà suy cho cùng thì ta cũng code sập mặt như mi”.

 

Giành cho các bạn nữ đã và đang theo đuổi lĩnh vực này

Bạn đã dũng cảm theo đuổi lĩnh vực này, đã từng vượt qua rất nhiều khó khăn về định kiến và rào cản từ bên ngoài cũng như ở bên trong. 

Mình tin là bạn cũng đã được sự hỗ trợ nhiệt tình từ nhiều người trong cùng lĩnh vực, từ gia đình, nhà trường, doanh nghiệp, các tổ chức, bạn bè, các cuốn sách, … 

Một team mà có cả nam lẫn nữ thì sẽ vui và hiệu quả hơn rất nhiều, đúng chứ? Mình tin bạn biết rõ điều đó.

Có điều, mình thấy nữ giới khó chia sẻ những kinh nghiệm của mình hơn, luôn nghĩ bản thân chưa đủ giỏi để chia sẻ hay giúp đỡ người khác. Trong khi cùng năng lực như vậy, thì người nam giới luôn sẵn lòng chia sẻ, sai thì họ sẵn sàng sửa sai và tiến bước. 

Nên những dòng này mình viết cho bản thân cũng như cho các bạn nữ đang làm trong lĩnh vực này, chúng ta liệu có thể cố gắng chia sẻ những điều tích cực cho các bạn phía sau để các bạn ấy dũng cảm tiến bước được không?

Mình cùng bạn đều cố gắng mỗi ngày, đầu tiên là cho bản thân mình trước, bản thân mình làm tốt công việc thì các định kiến về giới sẽ nhạt dần, và tiếp sau đó là mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn.

Cuối cùng, mình muốn chia sẻ một số tổ chức đã và đang khuyến khích nữ giới tham gia STEM:

– SheCodes Vietnam – Chúng tôi khuyến khích phái nữ tham gia vào lĩnh vực CNTT, qua đó dần xóa bỏ khoảng cách giới tính, thay đổi tư duy của mọi người về phái nữ và tạo ra một môi trường dám thử sức – dám thất bại, khích lệ sự sáng tạo, học hỏi công nghệ.

– Women In Tech

– Outreachy provides internships in open source to people subject to systemic bias and impacted by underrepresentation in the technical industry where they are living.

Và một số học bổng đặc biệt giành cho nữ:

The Science Ambassador Scholarship

Faculty for the Future

Bạn thấy đó, nhiều cơ hội lắm, chỉ cần bạn mở cánh cửa của chính mình ra, buông bỏ hết các rào cản, bạn sẽ tỏa sáng thôi.

Mình vẫn đang cố gắng vượt qua các rào cản do chính mình tạo ra mỗi ngày đây.

Hi vọng bài viết này sẽ tiếp thêm động lực cho các bạn nữ theo đuổi lĩnh vực này nha. 

Nếu bạn nào thích đi theo lập trình web thì có thể nhắn mình hỏi thăm trên fanpage này hỉ. 

À, luôn tiện, công ty mình có đến hơn 30% nữ lập trình viên lận đó, và đang tuyển dụng mạnh nữa, muốn làm chung thì hãy nộp hồ sơ ngay nha, mình có thể sẽ là mentor của bạn đó ahihi.

Chủ động lên các cô gái! 

BeautyOnCode.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

RELATED POST

Giới thiệu 50 dịch vụ AWS

AWS được ra mắt vào năm 2006 với 3 dịch vụ chính: Storage, Compute, Messaging Hiện nay AWS cung cấp…

Đầu năm kể chuyện tìm đường

Mình bắt đầu đọc cuốn "The Pragmatic Programmer", gợi ý đầu tiên mình đọc được là: "Care about your craft"…

Bốn bước để học và viết trong thời gian dài

Bài blog này mình muốn gửi đến 4 bước mình đã làm để có thể duy trì việc học và rèn luyện…

Các bài viết ngắn phần 23

UI/UX cơ bản dành cho dev Kiến thức cơ bản về Graphic Design dành cho web developer sẽ giúp bạn,…

%d bloggers like this: