[Sách] Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống – J. Krishnamurti

(Image by Sasin Tipchai from Pixabay)

Jiddu Krishnamurti(1895-1986) là một triết gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần, các chủ đề bao gồm: mục đích của thiền định, mối quan hệ giữ con người và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội.

Được sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp Brahmin tại Ấn Độ, nhưng Krishnamurti khẳng định rằng mình không thuộc bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào. Ông dành suốt quãng đời còn lại của mình đi khắp thế giới như một nhà diễn thuyết độc lập.

Krishnamurti không lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo, giáo phái, hay quốc gia nào. Ông cũng không tán thành bất cứ trường phái tư tưởng thuộc học thuyết hay chính trị nào. Trái lại, ông quả quyết rằng những trường phái này chính là yếu tố phân chia con người với con người và tạo ra xung đột, cũng như chiến tranh. Lời dạy của ông vượt trên mọi biên giới, ranh giới do con người tạo ra.

“Education and the significance of life” – “Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống”(tiki) là một cuốn sách viết về giáo dục và cuộc sống.

Sách của Krishnamurti không phải dễ tiếp thu và hiểu đúng về những điều ngài muốn truyền tải. 

Trong bài viết này mình lưu lại những trích đoạn trong tác phẩm theo từng chương.

Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

“Thế thì ý nghĩa của cuộc sống là gì? Chúng ta sống và đấu tranh vì điều gì? Nếu chúng ta được giáo dục chỉ để trở nên khác biệt, giành lấy một công việc tốt hơn, có nhiều năng lực hơn, thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên hời hợt và trống rỗng vô cùng. Nếu chúng ta được đào luyện chỉ để trở thành những nhà khoa học, những học giả suốt ngày chúi mũi vào sách vở, hay trở thành những chuyên gia nghiện ngập mớ kiến thức không mấy cần thiết, thì chúng ta đang góp phần vào sự suy vong và khốn cùng của thế giới.
Thực vậy, cuộc sống có ý nghĩa rộng lớn hơn và cao cả hơn tất cả những điều đó, và nền giáo dục phỏng có ích gì nếu như nó chẳng thể giúp ta khám phá ra ý nghĩa ấy? Chúng ta có thể được giáo dục rất tốt, nhưng nếu không tạo ra sự hợp nhất sâu sắc giữa tư tưởng và tình cảm thì cuộc sống của chúng ta không thể trọn vẹn; nó sẽ bị mâu thuẫn và xâu xé bởi đủ kiểu lo sợ; và chừng nào nền giáo dục còn chưa vun bồi được cái nhìn hợp nhất ấy, thì nó chẳng có ý nghĩa gì.” 

“Tất cả chúng ta đều được đào tạo, thông qua giáo dục và môi trường sống, để tìm kiếm lợi ích và sự an toàn cho chính mình, cũng như đấu tranh vì bản thân. Cho dù ta có che đậy nó bằng ngôn từ hoa mỹ đến mấy, thì sự thực là chúng ta đã đào tạo trong một hệ thống dựa trên sự bóc lột và nỗi lo sợ – khiến ta ra sức thu vén, tích luỹ cho mình thật nhiều. Kiểu đào tạo như thế chắc chắn đẩy chúng ta và cả thế giới vào trạng thái hỗn loạn, đau khổ. Điều đó là không thể tránh khỏi, vì nó dựng lên trong mỗi cá nhân những rào cản tâm lý chia cắt và cách ly anh ta với những người khác.” 

“Muốn tạo dựng một nền giáo dục đúng đắn, ta phải hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống trong tính toàn thể của nó, và vì thế ta phải có năng lực tư duy trực diện và chân thật, nhưng không cố chấp.” 

“Hiểu cuộc sống là hiểu chính mình, và đó vừa là khởi điểm vừa là đích đến của giáo dục.”

“Chức năng của giáo dục là tạo ra những con người toàn diện và có trí tuệ. Chúng ta có thể sở hữu nhiều bằng cấp và tính hiệu quả một cách máy móc nhưng không có trí tuệ. Trí tuệ không phải là năng lực tích trữ thông tin; trí tuệ không phải từ sách vở mà có, nó cũng không phải là kiểu phản ứng tự vệ thông minh và sự xác quyết mang tính gây hấn. Người không học hành vẫn có thể thông minh hơn người có học. Chúng ta đã biến các kỳ thi cử và bằng cấp học thuật trở thành tiêu chuẩn của trí tuệ và đã phát triển cái đầu óc ranh mãnh luôn né tránh các vấn đề sống còn của con người. Trí tuệ là năng lực nhận biết cái bản chất, cái vốn đang tồn tại; và việc đánh thức năng lực này, ở bản thân và ở mọi người, chính là giáo dục.” 

“Giáo dục không nên khuyến khích cá nhân tuân phục theo xã hội hay hoà hợp một cách tiêu cực với nó, mà nên giúp anh ta khám phá những giá trị đích thực vốn luôn song hành với sự tìm tòi và ý thức về chính mình một cách trung thực, không mảy may định kiến. Khi không hiểu biết về chính mình, thì sự tự thể hiện bản thân sẽ biến tướng thành sự tự khẳng định, cùng với những xung đột đầy tham vọng và gây hấn. Giáo dục phải đánh thức năng lực tự nhận biết bản thân, chứ không phải để thoả mãn việc tự khẳng định bản thân.” 

Loại hình giáo dục đúng đắn

“Người dốt nát không phải là người không có học thức, mà là người không hiểu biết về chính mình. Người có học thức sẽ là kẻ dốt nát nếu anh ta cứ mãi dựa vào sách vở, vào kiến thức và vào uy quyền để trao cho anh ta sự hiểu biết. Sự hiểu biết chỉ đến với những ai hiểu rõ chính mình, nghĩa là với những ai nhận biết được toàn bộ diễn trình tâm lý của chính mình. Vì thế giáo dục, theo ý nghĩa thực sự của từ này, là hiểu biết chính mình, bởi vì toàn bộ cuộc sinh tồn được tập hợp lại bên trong mỗi người chúng ta.
Cái hiện nay chúng ta gọi là giáo dục chẳng qua là sự tích luỹ thông tin và kiến thức từ sách vở, điều mà bất kỳ người biết đọc nào cũng có thể làm được. Kiểu giáo dục như thế chỉ cung cấp cho chúng ta một hình thức đào thoát khỏi chính mình một cách tinh vi; và giống như mọi kiểu đào thoát khác, nó chắc chắn gây ra tình cảnh khốn khó ngày một chất chồng. Những cuộc xung đột và trạng thái hỗn loạn của chúng ta là kết quả của mỗi tương quan lầm lạc giữa chính ta với người khác, hay với các sự vật và tư tưởng; và chừng nào ta còn chưa nhận chân ra được mỗi tương quan ấy và cải sửa nó, thì việc học hành đơn thuần, tức là việc thu thập các dữ kiện và sở đắc những kỹ năng khác nhau, chỉ càng dìm ta lún sâu hơn nữa vào trạng thái hỗn loạn và sự huỷ hoại nhau mà thôi.” 

“Chúng ta lựa chọn nghề nghiệp tuỳ theo năng lực của mình; nhưng liệu việc theo đuổi một nghề nghiệp sẽ giúp ta thoát khỏi sự xung đột và hỗn loạn chăng? Một số hình thức đào tạo kỹ thuật xem chừng là cần thiết; nhưng sau khi chúng ta đã trở thành kỹ sư, y sĩ, kế toán viên, … thì sao nữa? Việc hành được một nghề nào đó có nghĩa là ta đã sống một cuộc đời trọn vẹn chăng? Dường như với hầu hết chúng ta thì là như vậy. Nghề nghiệp khiến ta bận bịu suốt phần lớn cuộc đời mình; nhưng những gì mà chúng ta tạo ra, và theo đó bị chúng mê hoặc, lại là những thứ đang gây ra sự huỷ hoại và tình trạng khốn cùng. Thái độ và các giá trị của chúng ta biến công việc và thế giới thành công cụ cho sự đố kỵ, cay cú và thù hằn.

Không hiểu rõ bản thân, công việc sẽ chỉ dẫn ta đến chỗ thất vọng, cùng sự đào thoát tất yếu thông qua mọi loại hoạt động ranh mãnh. Không có sự hiểu biết này, kỹ thuật sẽ dẫn ta đến chỗ thù địch và nhẫn tâm vốn được ta che đậy bằng những lời lẽ êm tai. Chú trọng đến kỹ thuật và ráng trở thành những thực thể hiệu quả phỏng có ích gì nếu kết quả mà chúng ta mang tới là sự huỷ diệt lẫn nhau? Tiến bộ kỹ thuật quả là ngoài sức tưởng tượng, nhưng nó chỉ làm tăng thêm sức mạnh huỷ diệt lẫn nhau của chúng ta mà thôi, và ở đâu cũng có cảnh đói rách, khốn cùng. Nếu vậy thì chúng ta đâu phải là những con người dựng xây hoà bình và hạnh phúc.”

“Giáo dục theo đúng nghĩa của nó là giúp cá thể trưởng thành và tự do, phát triển trọn vẹn trong tình yêu và tình người. Đấy là điều ta nên quan tâm, chứ không tìm cách định hình trẻ theo một khuôn mẫu lý tưởng nào.

Bất cứ phương pháp nào dùng để phân loại đứa trẻ dựa theo tính nết và năng khiếu chỉ làm bật lên những khác biệt giữa chúng mà thôi. Phương pháp ấy sẽ nuôi dưỡng sự đối kháng lẫn nhau, khuyến khích sự phân chia trong xã hội và không giúp phát triển con người toàn diện. Rõ ràng là không có phương pháp hay hệ thống nào có thể mang đến loại hình giáo dục đúng đắn, và việc bám chặt vào một phương pháp cụ thể nào đó càng cho thấy sự trì trệ ở phía nhà giáo dục. Chừng nào nền giáo dục còn dựa trên những nguyên tắc được xác lập rõ ràng, nó chỉ có thể sản sinh ra những con người khéo làm việc, chứ không thể tạo ra những con người sáng tạo.

Chỉ tình yêu mới có thể giúp ta thấu hiểu người khác. Ở đâu có tình yêu, ở đó lập tức có sự đồng cảm, cùng một mức độ và cùng một thời điểm. Bản thân chúng ta quá khô khan, trống rỗng và thiếu vắng tình yêu đến mức chúng ta đã cho phép các hệ thống đảm nhiệm thay việc giáo dục con cái và định hướng cuộc sống của chúng ta, nhưng các hệ thống quản lý cấp cao lại muốn những “cỗ máy” giỏi việc, chứ không muốn những con người thực thụ, vì con người là mối nguy hiểm đối với họ. Đó là lý do tại sao các hệ thống, các tổ chức chuyên quyền luôn tìm cách kiểm soát và thao túng giáo dục.”

“Loại hình giáo dục đúng đắn là loại hình giáo dục thực sự hiểu trẻ em mà không áp đặt lên chúng một hình ảnh mà ta nghĩ các em nên trở thành như thế. Bao bọc đứa trẻ trong khuôn khổ một lý tưởng là khuyến khích em chỉ biết tuân phục, làm vậy là chúng ta đang gieo rắc nơi đứa trẻ nỗi sợ hãi, cũng như mối xung đột thường trực giữa cái em đang là, với cái em nên là; và mọi xung đột trong nội tâm sớm muộn gì cũng sẽ bộc lộ ra bên ngoài. Mọi lý tưởng đều là rào cản ngăn trở ta hiểu về đứa trẻ và không cho đứa trẻ thấu hiểu chính các em.

Bậc phụ huynh nào thực sự muốn hiểu con mình thì sẽ không xem xét em qua lăng kính của những lý tưởng. Nếu họ thực sự yêu thương đứa trẻ, họ sẽ quan sát em, tìm hiểu các khuynh hướng của em, các nét cá tính của em. Chỉ khi nào người ta cảm thấy mình không có tình yêu thương dành cho đứa trẻ thì họ mới áp đặt lên đứa trẻ một lý tưởng, vì lúc đó những tham vọng của họ đang cố hiện thực hoá nơi đứa trẻ, buộc em phải trở thành người này hay người nọ. Nếu cái người ta yêu, không phải lý tưởng, mà là đứa trẻ, thì họ có thể giúp đứa trẻ hiểu đúng về bản thân em.

Chẳng hạn như, nếu đứa trẻ nói dối, thì việc bày ra trước mặt em một lý tưởng về sự trung thực phỏng có ích gì? Ta phải dành thì giờ tìm hiểu lý do tại sao em lại nói dối. Để giúp đứa trẻ, ta phải dành thời gian tìm hiểu và quan sát em, điều này đòi hỏi phải có sự nhẫn nại, có tình yêu thương và sự chu đáo, ân cần; nhưng khi ta không yêu cũng chẳng hiểu em, thì ta gò ép đứa trẻ vào một khuôn mẫu hành động mà ta gọi là lý tưởng.

Cưỡng buộc học trò theo lý tưởng là một hình thức đào nhiệm dễ dàng, và nhà giáo dục nào chạy theo các lý tưởng thì không tài nào hiểu học trò của mình và biết cách ứng xử phù hợp với các em; đối với anh ta, lý tưởng trong tương lai, tức cái nên là, quan trọng hơn nhiều so với đứa học trò trước mặt. Chạy theo lý tưởng là khước từ tình yêu thương, và nếu không có tình yêu thương thì không một vấn đề nào của con người có thể được giải quyết tận gốc rễ.”

“Khi trẻ còn nhỏ, đương nhiên ta phải bảo vệ các em khỏi những mối nguy hiểm về thân thể và tránh cho các em cảm giác bất an về thân thể. Nhưng khổ nỗi, chúng ta không dừng lại ở đó; chúng ta muốn tiến tới định hình cả cách cảm nhận và suy nghĩ của các em, chúng ta muốn nhào nặn các em theo những khao khát và ý định riêng của mình. Chúng ta tìm cách hiện thực hoá chính mình nơi con trẻ, kéo dài sự tồn tại của chúng ta qua bọn trẻ. Chúng ta xây dựng những bức tường bao quanh các em, khuôn đặt các em bằng những đức tin và ý thức hệ, bằng nỗi sợ hãi và niềm hi vọng của chúng ta – và rồi chúng ta khóc lóc và cầu nguyện khi chúng bị giết chết hay bị thương trong các cuộc chiến, hay phải chịu những thiệt thòi trong cuộc sống.”

“Sự tinh nhạy không bao giờ có thể đánh thức bằng cách cưỡng ép. Người ta có thể buộc đứa trẻ phải giữ yên lặng, nhưng họ đã tránh né đối mặt với vấn đề khiến đứa bé ấy trở nên bướng bỉnh, hỗn xược... Ép buộc là mầm mống của sự chống đối và sợ hãi. Thưởng phạt dưới bất kỳ hình thức nào cũng chỉ là cách nô dịch tinh thần và làm cho nó ngày càng ngu dốt; và nếu đấy là điều chúng ta muốn, thì giáo dục bằng sự cưỡng ép là phương pháp cực kỳ hiệu quả!

Lối giáo dục ấy không thể giúp chúng ta thấu hiểu đứa trẻ, cũng không thể tạo dựng được một môi trường xã hội đúng đắn mà trong đó sự chia tách và thù hận không tồn tại. Tình yêu thương mà ta dành cho đứa trẻ đã hàm chứa sẵn đường hướng giáo dục đúng đắn. Nhưng buồn thay, hầu hết chúng ta đều không thực sự yêu thương con cái mình; chúng ta muốn chúng giỏi giang – đấy chẳng qua là chúng ta muốn chính mình giỏi giang, muốn mình nở mày nở mặt. Khổ nỗi, chúng ta bận bịu với những công việc đầu óc đến mức chẳng có mấy thì giờ lắng nghe những lời mách bảo trong tim.

“Nếu chúng ta giúp đứa trẻ biết quan tâm đến người khác, người ta sẽ không dùng tình yêu thương như là món quà hối lộ mà sẽ dành thời gian và lòng kiên nhẫn giải thích các cách thức quan tâm đến người khác.

Chẳng có sự tôn trọng nào đối với người khác khi có phần thưởng dành cho việc đó, vì sự hối lộ hay hình phạt trở nên quan trọng hơn nhiều so với cảm giác tôn trọng. Nếu chúng ta không tôn trọng đứa trẻ mà chỉ đơn thuần đưa cho trẻ một phần thưởng hay doạ phạt, chúng ta đang khuyến khích tính hám lợi và nỗi sợ hãi. Vì bản thân chúng ta cũng được dạy dỗ phải hành động vì một kết quả nào đó, cho nên ta không nhận thấy rằng vẫn có thể hành động hoàn toàn không xuất phát từ ham muốn vị lợi.

Loại hình giáo dục đúng đắn sẽ khuyến khích óc tư duy và sự quan tâm tới người khác một cách tự nhiên mà không cần lôi kéo hay doạ dẫm.”

“Hầu hết trẻ nhỏ đều có tính hiếu kỳ, chúng tò mò muốn biết về mọi sự; nhưng sự háo hức truy vấn của chúng lại bị dập tắt bởi những lời khẳng quyết cố chấp, sự thiếu kiên nhẫn đầy trịch thượng của người lớn chúng ta và việc ta hờ hững gạt tính hiếu kỳ của chúng sang một bên. Chúng ta không khuyến khích các em truy vấn, vì chúng ta khá e dè với việc bị chất vấn; chúng ta không cổ vũ cho việc bày tỏ thái độ không thoả nguyện của các em, vì chính chúng ta không còn khả năng hoài nghi nữa.

Hầu hết các bậc cha mẹ và người thầy đều e sợ thái độ bất mãn vì nó làm xáo trộn mọi hình thức an toàn, do đó họ khuyến khích thanh niên vượt qua sự bất mãn ấy bằng những công việc ổn định, sự thừa kế gia sản, hôn nhân và sự an ủi của các giáo điều. Những người lớn tuổi, quá tỏ tường với bao cách thức làm mụ mị đầu óc và con tim, tiến hành việc biến đứa trẻ thành kẻ ngờ nghệch y như họ bằng cách áp đặt lên em các uy quyền, truyền thống và các đức tin mà họ đã chấp nhận.

Chỉ bằng cách khuyến khích đứa trẻ biết đặt câu hỏi về tất cả những gì chúng đọc, biết truy vấn tính hiệu lực của các giá trị, truyền thống, đức tin,… đang tồn tại trong xã hội thì nhà giáo dục và cha mẹ mới có thể hi vọng đánh thức, đồng thời duy trì ý thức phản biện và năng lực nhận thức ở trẻ.

Những người trẻ đều tràn đầy hy vọng và không có tinh thần cam chịu, an phận; họ phải như vậy, nếu không thì họ đã là những người già cỗi và sống mòn. Người già là những con người xưa kia từng không cam chịu, nhưng họ đã thành công trong việc dập tắt ngọn lửa ấy bằng cách tìm kiếm sự an toàn và an nhàn theo nhiều cách khác nhau. Họ thèm khát sự ổn định lâu dài cho bản thân và cho gia đình họ, họ mong mỏi có sự chắc chắn trong tư tưởng, trong mối tương quan, trong của cải; cho nên lúc cảm thấy bất mãn, họ vùi mình vào trách nhiệm, vào công việc hay vào bất cứ thứ gì khác để trốn tránh cảm giác bất mãn gây xáo trộn bản thân họ.

Giai đoạn chúng ta còn trẻ là quãng thời gian chúng ta bất mãn không những với chính mình mà còn với mọi thứ xung quanh. Chúng ta nên học cách suy nghĩ rõ ràng và không định kiến để không còn bị lệ thuộc và sợ hãi trong nội tâm. Độc lập không phải là thứ dành cho những phần được tô màu trên tấm bản đồ gọi là đất nước. Độc lập là một trạng thái thuộc về chúng ta, những cá thể có tri giác. Mặc dù ở bên ngoài chúng ta phụ thuộc lẫn nhau, nhưng sự phụ thuộc này sẽ không trở nên thô bạo hay áp bức nếu nội tâm chúng ta được giải phóng khỏi sự thèm khát quyền lực, chức vụ và ưu thế.”

“Giống như các thế hệ tiền bối, thế hệ trẻ cũng tìm kiếm sự thành công và cảm giác an toàn; dẫu cho lúc đầu họ đầy tinh thần phản kháng, chẳng mấy chốc họ bắt đầu trở nên kính trọng và sợ phải từ chối xã hội. Các bức tường ham muốn bắt đầu vây hãm họ, họ nằm trong vòng kiềm toả và chấp nhận sự thống trị của uy quyền. Sự bất mãn của họ – ngọn đè soi tỏ cho họ trên hành trình truy vấn, tìm kiếm, thấu hiểu – mỗi lúc một leo lét rồi lụi tàn, và thay vào đó là ước muốn một công việc tốt hơn, cưới được người giàu có, có một sự nghiệp xán lạn, tất cả những thứ ấy đều là mong ước thủ đắc sự an toàn ngày càng chắc chắn hơn.”

“Để hiểu một đứa trẻ, chúng ta phải quan sát em chơi đùa, tìm hiểu em qua những biểu hiện khác nhau về tính tình; chúng ta không nên phóng chiếu lên em các thành kiến của chính mình, hay cố nhào nặn em sao cho hợp với hình mẫu ham muốn của ta. Nếu chúng ta lúc nào cũng xét đoán đứa trẻ dựa trên những ý thích hay không thích của mình, chúng ta không tránh khỏi việc dựng lên những rào cản ngăn cách quan hệ giữa ta với em và trong quan hệ giữa em với thế giới. Khổ nỗi, hầu hết chúng ta muốn nhào nặn đứa trẻ theo cách sao cho thoả mãn những thói hão huyền và khí chất riêng của mình; chúng ta tìm thấy nhiều mức độ thoải mái và thoả mãn khác nhau chỉ trong mỗi việc sở hữu và thống trị mà thôi.”

Khi có tình thương thì mới có sự tôn trọng người khác, không chỉ đối với trẻ em mà còn với hết thảy mọi người. Trừ khi bị vấn đề này đụng chạm đến một cách sâu sắc, không thì chúng ta sẽ không bao giờ tìm ra phương cách giáo dục đúng đắn. Đào tạo kỹ thuật thuần tuý chắc chắn chỉ làm nảy sinh sự tàn nhẫn, và muốn giáo dục con cái, chúng ta phải tinh nhạy với toàn bộ sự vận động của đời sống. Những gì chúng ta nghĩ, chúng ta làm, chúng ta nói đều vô cùng quan trọng, bởi lẽ chúng tạo môi trường và môi trường này hoặc là hỗ trợ đứa trẻ hoặc là cản trở các em.”

“Cấu trúc xã hội và nền giáo dục hiện nay không giúp cá thể hướng tới sự tự do và phát triển toàn diện. Nếu các bậc làm cha mẹ có thái độ nghiêm túc và thực sự muốn con trẻ phát triển với năng lực toàn diện nhất, họ phải bắt đầu thay đổi cách ảnh hưởng của gia đình và góp phần lập ra các trường hợp với những người thầy đích thực.

Sự ảnh hưởng của gia đình và nhà trường không tương phản nhau, cho nên cả cha mẹ lẫn người thầy phải giáo dục lại chính mình. Sự tương phản thường tồn tại trong đời sống riêng tư của cá nhân và trong cuộc sống của anh ta – với tư cách là thành viên trong nhóm gây ra những cuộc đấu tranh bất tận trong chính bản thân và trong các mối quan hệ giữa anh ta với người khác.”

Trí năng, uy quyền và trí tuệ

“Có kiến thức không thể sánh bằng trí tuệ, có kiến thức chưa phải là trở nên khôn ngoan. Khôn ngoan không phải là cái có thể mua bán được, nó không phải là một thứ hàng hoá có thể được mua với cái giá của việc học hành hay kỷ luật. Sự khôn ngoan không thể được tìm thấy trong sách vở; nó không thể được tích luỹ, được nhớ hay được lưu trữ. Sự khôn ngoan song hành với việc từ bỏ cái tôi. Có đầu óc cởi mở quan trọng hơn học hành; và chúng ta có thể có đầu óc cởi mở, không phải bằng cách nhét đầy thông tin, mà bằng ý thức về những tư tưởng và tình cảm của chính mình, bằng cách quan sát bản thân và những ảnh hưởng đến mình một cách cẩn trọng, bằng cách lắng nghe người khác, bằng cách quan sát người giàu và người nghèo, kẻ quyền thế và người hèn mọn. Khôn ngoan không đến từ nỗi sợ hãi hay sự áp bức, mà đến từ sự quan sát và thông hiểu các sự việc hàng ngày trong mối tương quan của con người.”

“Chúng ta đã tách trí năng ra khỏi tình cảm, và đã phát triển trí năng bằng cách hi sinh tình cảm. Chúng ta giống như một đồ vật có ba chân, trong đó có một chân dài hơn hẳn hai chân còn lại, và chúng ta không có sự cân bằng. Chúng ta được huấn luyện để thành người có trí năng, nền giáo dục đào luyện cái trí năng ấy trở nên sắc bén, ranh mãnh, hám lợi, và vì thế nó giữ vai trò quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta. Trí tuệ quan trọng hơn trí năng nhiều, vì nó là sự hợp nhất của lý trí và tình thương; nhưng trí tuệ chỉ có thể thụ đắc khi chúng ta nhận biết được chính mình, thấu hiểu được toàn bộ diễn trình cuộc sống của mình.”

Giáo dục và hoà bình thế giới

“Một nguyên nhân khác của tình trạng hỗn loạn hiện nay là sự lệ thuộc vào uy quyền, vào những người lãnh đạo, dù đó là trong đời sống hàng ngày, trong ngôi trường nhỏ bé hay trong trường đại học. Những người lãnh đạo và uy quyền của họ là những nhân tố gây suy đồi trong bất cứ nền văn hoá nào. Khi chúng ta theo gót một người khác, mà thiếu đi sự thông hiểu, chỉ có nỗi sợ hãi và phục tùng, thì sau cùng sẽ dẫn đến sự tàn nhẫn của chính phủ toàn trị và chủ nghĩa giáo điều trong tôn giáo.”

“Nhưng chúng ta không thực sự muốn hoà bình, chúng ta không thực sự muốn chấm dứt tình trạng trục lợi. Chúng ta sẽ không cho phép lòng tham của mình bị can thiệp, hay những nền tảng của cấu trúc xã hội hiện tại bị thay đổi; chúng ta muốn mọi sự vẫn tiếp tục đúng như cách tồn tại của chúng cùng với chút ít biến cải giả tạm, và vì thế những kẻ có quyền lực và xảo quyệt chi phối một cách tất yếu cuộc sống của chúng ta.”

“Thế thì, vấn đề liên quan đến chủ nghĩa yêu nước lại được được đặt ra. Khi nào chúng ta cảm thấy mình yêu nước? Rõ ràng đấy không phải là một xúc cảm bình thường. Nhưng chúng ta lúc nào cũng được khuyến khích là phải yêu nước – qua sách vở ở trường, qua báo chí và các kênh tuyên truyền khác.

Sự tái khẳng định liên tục rằng chúng ta thuộc về một nhóm chính trị hay tôn giáo nào đó, rằng chúng ta thuộc về quốc gia này hay quốc gia nọ, làm ta tự mãn với cái tôi bé tí của mình, thổi phồng chúng ta lên như cánh buồm, cho đến khi chúng ta sẵn sàng chém giết hay bị chém giết vì đất nước, chủng tộc hay ý thức hệ của mình. Tất cả những thứ đó đều thật là ngu xuẩn và trái lẽ tự nhiên. Chắc chắn con người quan trọng hơn các biên giới lãnh thổ, hay ý thức hệ.

Tinh thần phân biệt của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi đang như lửa lan nhanh khắp thế giới. Chủ nghĩa yêu nước được vun bồi và được khai thác một cách thông minh bởi những người đang tìm kiếm cách mở rộng sự bành trướng của mình ra thêm nữa, thâu tóm quyền lực hơn nữa, làm giàu hơn nữa; và mỗi một người chúng ta đều nhúng tay vào diễn trình này, vì chúng ta cũng ham muốn những thứ ấy. Việc chinh phục các vùng đất và các dân tộc khác mở ra những thị trường mới cho hàng hoá cũng như cho các ý thức hệ chính trị và tôn giáo.

Chúng ta phải quan sát tất cả các biểu hiện của tình trạng bạo lực và đối kháng này với một tinh thần không thành kiến, nghĩa là với một tinh thần không đồng hoá bản thân mình với đất nước, chủng tộc hay ý thức hệ, mà cố truy tìm ra đâu là sự thật. Có một niềm hân hoan tuyệt vời khi chúng ta nhận ra điều đó một cách rõ ràng mà không bị ảnh hưởng bởi các ý niệm và các chỉ dẫn của kẻ khác, dù đó là của các chính quyền, các chuyện gia hay những người có học thức cao. Một khi chúng ta thực sự nhận ra rằng chủ nghĩa yêu nước cực đoan là một trở ngại cho hạnh phúc của con người, thì chúng ta không phải đấu tranh chống lại những xúc cảm sai lầm ở bản thân, nó đã rời khỏi ta mãi mãi.”

“Nếu chúng ta muốn thay đổi triệt để cách tương quan hiện nay của con người, cái đã làm cho thế giới lâm vào tình cảnh khốn khổ không kể xiết, thì nhiệm vụ duy nhất và ngay tức khắc của chúng ta là thay đổi chính bản thân con người mình. Vì thế, chúng ta quay trở lại với điểm mấu chốt là chính bản thân; nhưng chúng ta lại ưa lẩn tránh điểm mấu chốt ấy và chuyển trách nhiệm sang cho chính phủ, tôn giáo và ý thức hệ. Chúng phủ là cái chúng ta đang là, còn tôn giáo và ý thức hệ là sự phóng chiếu của bản thân chúng ta; nếu chúng ta không thay đổi một cách căn cơ thì chúng ta không thể có được loại hình giáo dục đúng đắn cũng như không thể xây dựng một thế giới hoà bình.

Sự an toàn bên ngoài cho tất cả mọi người chỉ có thể hiện diện khi có tình yêu thương và trí tuệ; vì chúng ta đã tạo ra một thế giới đầy xung đột và khốn cùng mà trong đó sự an toàn bề ngoài nhanh chóng trở nên bất khả thi đối với bấy kỳ người nào, nên chẳng phải nó đang cho ta thấy nền giáo dục trong quá khứ và hiện tại là hoàn toàn vô ích đó sao? Với tư cách là cha mẹ và là người thầy, trách nhiệm trục tiếp của chúng ta là đoạn tuyệt với lối tư duy truyền thống và không chỉ dựa theo ý kiến của các nhà chuyên môn. Phương thức đã thể hiện tính hiệu quả trong việc mang lại cho chúng ta năng lực kiếm tiền, đó là lý do tại sao hầu hết chúng ta đều thoả mãn với cấu trúc xã hội hiện tại; nhưng các nhà giáo dục chân chính chỉ quan tâm đến lối sống đúng đắn, cách giáo dục đúng đắn và các phương tiện mưu sinh đúng đắn mà thôi.

Chúng ta càng vô trách nhiệm trong các vấn đề này nhiều bao nhiêu thì chính phủ lại phải đảm đương toàn bộ các trách nhiệm ấy nhiều bấy nhiêu. Chúng ta đang đối mặt, không phải với khủng hoảng kinh tế hay chính trị, mà với sự khủng hoảng xói mòn nhân phẩm đến mức không một đảng phái chính trị hay hệ thống kinh tế nào có thể cứu vãn được.

Một hiểm hoạ khác ngày càng đe doạ hơn đang đến gần, và hầu hết chúng ta đều chẳng có bất cứ động thái nào để ứng phó với nó. Chúng ta cứ sống lê lết hết ngày này qua ngày khác mà chẳng muốn thay đổi gì; chúng ta không muốn phủi bỏ hết mọi giá trị sai lầm của mình và bắt đầu lại. Chúng ta muốn thực hiện những cuộc cải cách có tính chắp vá, điều đó chỉ dẫn đến các vấn đề cần phải cải cách không ngừng nữa mà thôi. Toà nhà đang sụp, các bước tường đang đổ và lửa đang thiêu rụi nó. Chúng ta phải rời khỏi toà nhà ấy và bắt tay xây cái nền móng mới cùng với các nền tảng và các giá trị khác.

Chúng ta không thể loại bỏ kiến thức kỹ thuật, nhưng ở bình diện nội tâm, chúng ta có thể nhận biết sự xấu xa của mình, tính cách tàn bạo của mình, những dối trá và ranh ma, sự thiếu vắng hoàn toàn tình yêu của mình. Chỉ bằng cách khéo léo giải thoát mình ra khỏi tinh thần của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, khỏi thói đố kỵ, ganh ghét và sự thèm khát quyền lực thì chúng ta mới có thể xác lập được một trật tự xã hội mới.”

Ngôi trường lý tưởng

“Một cơ sở giáo dục lớn và phát triển mạnh trong đó hàng trăm trẻ em được học cùng nhau, cùng với mọi sự phô trương và thành công kèm theo của nó, có thể sản sinh ra những người thư ký ngân hàng và người bán hàng giỏi, những nhà công nghiệp hay viên chức, tóm lại là những con người hời hợt có năng lực về kỹ thuật; nhưng ta chỉ có thể hi vọng vào các cá nhân toàn diện mà chỉ những mái trường nhỏ mới có thể sản sinh ra mà thôi. Đó là lý do tại sao việc sở hữu những mái trường với số lượng nhỏ các cô, cậu bé và những người thầy chân chính thì quan trọng hơn nhiều so với việc thực hành các phương pháp mới nhất và tốt nhất trong những ngôi trường lớn.”

Cha mẹ và người thầy

“Hơn nữa, cha mẹ và người thầy chủ yếu đều bận tâm đến những cuộc xung đột và nỗi đau khổ của riêng họ. Dù giàu hay nghèo, hầu hết các bậc cha mẹ đều ngập chìm trong những nỗi lo lắng và thử thách cá nhân của họ. Họ không quan tâm tới tình trạng suy thoái đạo đức và xã hội hiện nay, họ chỉ muốn con cái mình được trang bị đầy đủ để xoay sở thành công trong thế giới này. Họ lo lắng về tương lai của con cái họ, hăm hở cho chúng đi học hết cái nọ đến cái kia để chiếm lĩnh những vị trí an toàn, hay dựng vợ gả chồng một cách êm đẹp.

Trái với những gì thường được tin tưởng, hầu hết các bậc cha mẹ không yêu thương con cái mình, cho dù họ nói là yêu thương chúng. Nếu các bậc cha mẹ thực sự yêu thương con cái, ắt hẳn họ sẽ không nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình và dân tộc như là thứ đối nghịch với cái tổng thể, điều đã tạo ra sự phân chia chủng tộc và xã hội giữa con người với nhau, từ đó dẫn đến chiến tranh và đói nghèo. Quả thực lạ lùng, trong khi con người được đào tạo nghiêm ngặt để trở thành luật sư hay bác sĩ, họ lại có thể trở thành cha mẹ mà không trải qua bất cứ quá trình đào tạo nào để thích ứng với nhiệm vụ tối quan trọng này.”

“Chừng nào chúng ta vẫn còn mong muốn con cái mình sẽ là người có quyền lực, có địa vị quan trọng hơn và cao hơn, ngày một thành công hơn, thì chừng ấy chúng ta vẫn chưa có tình yêu thương trong trái tim mình, bởi lẽ sự sùng bái thành công luôn khuyến khích sự xung đột và khốn cùng. Thương yêu con cái là hoàn toàn nằm trong mối tương quan với chúng, thấy rằng nền giáo dục đúng đắn sẽ giúp chúng trở thành người toàn diện, có trí tuệ và biết cảm thông.”

“Đó là lý do tại sao vấn đề chính không phải là học sinh mà là người thầy; trái tim và tâm trí ta phải được thanh tấy trước khi ta dạy bảo người khác. Nếu bản thân nhà giáo dục bị hoang mang, không chân thật, lạc lối trong mê lộ ham muốn của chính mình thì làm thế nào anh ta truyền đạt những điều thông thái, hay giúp người khác định ra lối đi đúng đắn trong cuộc đời? Nhưng chúng ta không phải là những cỗ máy được hiểu và được sửa chữa bởi chuyên gia, chúng ta là kết quả của một loạt các ảnh hưởng và các biến cố lâu dài, và mỗi một người trong số chúng ta phải làm sáng tỏ và hiểu ra tình trạng hỗn loạn trong bản tính của chính mình.”

Tình dục và hôn nhân

“Suy nghĩ của chúng ta, cuộc sống của chúng ta náo hoạt, khô khan, giả dối và rỗng tuếch. Chúng ta bị đói khát về mặt cảm xúc; chúng ta lặp lại, trì trệ về mặt tôn giáo và trí tuệ; chúng ta bị điều hành và bị kiểm soát về mặt xã hội, chính trị và kinh tế. Chúng ta không phải những người hạnh phúc, chúng ta không có sức sống và niềm vui hân hoan. Ở nhà, trong công việc, ở nhà thờ, ở trường, chúng ta chưa bao giờ trải nghiệm cảm giác sáng tạo, không có sự giải phóng sâu sắc trong tư tưởng và hoạt động thường ngày. Bị trói buộc và giam hãm tứ bề, thì tình dục nghiễm nhiên trở thành lối thoát duy nhất, một trải nghiệm thường xuyên được tìm tới vì nó mang đến cho ta trạng thái hạnh phúc ngắn ngủi, trạng thái ấy diễn ra khi vắng mặt cái tôi. Vấn đề không phải là chuyện tình dục mà là sự ham muốn khơi dậy lại trạng thái hạnh phúc, có được và duy trì niềm khoái lạc, dù đó là khoái lạc tình dục hay bất cứ khoái lạc nào khác.”

“Việc ký kết một bản hợp đồng hôn nhân không đồng nghĩa sẽ mang lại tình yêu, và cũng không phải cứ làm cho nhau thỏa mãn là cơ sở để gây dựng tình yêu, hay cứ mang lại sự an toàn và yên tâm là sẽ có tình yêu. Tất cả những hành vi này đều thuộc về tâm trí, và đó là lý do tại sao tình yêu chiếm một vị trí quá nhỏ nhoi trong đời sống của chúng ta. Tình yêu không thuộc về tâm trí. Tình yêu hoàn toàn độc lập với tư tưởng cùng với những tính toán đầy ma mãnh, những nhu cầu và những phản ứng tự vệ. Khi có tình yêu, tình dục không bao giờ là vấn đề – chính sự thiếu vắng tình yêu mới gây ra vấn đề.”

Nghệ thuật, cái đẹp và sự sáng tạo

“Bởi tâm hồn ta đã chai sạn và ta đã quên cách làm thế nào để sống tử tế, làm thế nào để nhìn ngắm những vì sao, để nhìn ngắm những ngọn cỏ lá cây, những hình ảnh phản chiếu trên mặt nước, cho nên ta mới cần đến sự kích thích từ những bức tranh và đồ trang sức, từ những cuốn sách và những thú vui vô tận. Chúng ta luôn tìm kiếm những nguồn hứng khởi mới mẻ, những cảm giác hồi hộp mới, chúng ta thèm nhiều thứ cảm giác hơn nữa. Nghệ thuật chính là sự thèm khát này và việc thoả mãn nó khiến cho lý trí và tình cảm của ta trở nên xơ cứng, ù lì. Chừng nào chúng ta còn tìm kiếm cảm giác thì những cái mà chúng ta gọi là đẹp và xấu chỉ có ý nghĩa rất ư là giả tạo mà thôi. Niềm vui lâu bền chỉ có khi chúng ta có thể tiếp cận mọi thứ bằng cái nhìn thanh tân – vốn là điều không thể có được chừng nào chúng ta còn bị trói chặt vào những ham muốn của mình. Sự thèm muốn cảm giác và thoả mãn không cho chúng ta trải nghiệm cái luôn mới mẻ ấy. Cảm giác có thể mua được, còn tình yêu cái đẹp thì không.”

“Học hành một kỹ thuật, hay phương thức, có thể mang lại cho chúng ta một công việc, nhưng nó không giúp chúng ta trở thành một người sáng tạo; trong khi ngược lại, nếu có niềm vui thích, nếu có ngọn lửa sáng tạo, nó sẽ tìm cách biểu hiện chính nó, người ta không không cần học hành một phương pháp biểu đạt. Khi ta thực sự muốn viết một bài thơ, ta viết nó ra, và nếu có kỹ thuật viết thì ta viết hay hơn nhiều; nhưng tại sao lại chú trọng cái chỉ là phương tiện truyền đạt nếu ta chẳng có gì để mà nói? Khi có có tình yêu trong trái tim, ta không phải đi tìm cách thức sắp đặt từ ngữ lại với nhau.”

“Tình yêu cái đẹp có thể tự nó biểu hiện trong một bài hát, trong một nụ cười, hay trong sự yên lặng; nhưng hầu hết chúng ta không có xu hướng yên lặng. Chúng ta không có thời gian để nhìn những chú chim, những đám mây đang lượn lờ trôi, vì chúng ta quá bận bịu với những mưu cầu và khoái lạc. Khi trong tim ta không có cái đẹp thì làm sao ta có thể giúp trẻ thành người tỉnh táo và tinh nhạy? Chúng ta cố gắng mở lòng mình đón nhận cái đẹp trong khi tránh cái xấu; nhưng sự tránh né cái xấu lại khiến chúng ta trở thành người vô cảm. Nếu chúng ta muốn phát triển khả năng tinh nhạy nơi trẻ em, chúng ta phải mở lòng đón nhận cái đẹp và cái xấu, phải nắm lấy mọi cơ hội để khơi dậy ở chúng niềm hân hoan khi nhìn ngắm không những cái đẹp do con người tạo ra mà còn cả cái đẹp của thiên nhiên.”

BeautyOnCode chép lại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

RELATED POST

Giới thiệu 50 dịch vụ AWS

AWS được ra mắt vào năm 2006 với 3 dịch vụ chính: Storage, Compute, Messaging Hiện nay AWS cung cấp…

Chia sẻ cùng Viblo trong chuyên mục Raise Women’s Voice Up

Năm nay vinh hạnh được team Viblo nhắn mời tham gia chia sẻ cùng chiến dịch Raise Women's Voice Up…

Nỗi Buồn, Cái Chết và Vẻ Đẹp

Sorrow Part 2.1 - Rajghat 1985 Sorrow !.Hầu hết chúng ta đều đang buồn phiền sorrow” theo cách này hay…

Get hurt – Tổn thương

Tại sao con người trên khắp thế giới bị "tổn thương" - "get hurt"?  Về mặt tâm lý bị tổn…

%d bloggers like this: