4 minute read

Hàng ngày, ngoài viết code, lập trình sẽ viết tài liệu dự án, viết nội dung ticket, viết mô tả cho pull request / merge request, viết mô tả yêu cầu của khách hàng, các loại báo cáo, … Do đó, việc rèn luyện kỹ năng tự học và kỹ năng viết là vô cùng quan trọng để có thể phát triển trong nghề.

Trong bài blog này, mình muốn gửi đến 4 bước mình đã làm để có thể duy trì việc học và rèn luyện kỹ năng viết.

01. Làm tốt công việc của bạn

Thành thật mà nói, khi bắt đầu blog mình viết không tốt lắm. Nếu bạn theo dõi mình lâu bạn sẽ thấy điều này, ban đầu mình hay viết cho mình nhiều hơn. Và khi viết, mình không biết viết gì cả, nên đã chọn cách vừa học vừa viết.

Khi bắt đầu, mình nhận ra là mình không biết gì để viết cả. Lý do chính đến từ việc mình chưa thực sự làm tốt và hiểu công việc mình làm. Vì thế, mình đã đổi hướng sang học lại về cái mình đang làm (chuỗi các bài viết về Python) và điều này giúp mình làm tốt hơn công việc dự án hiện tại.

Với mình, blog chỉ là phụ, công việc dự án vẫn là chính. Blog là động lực để mình học và làm tốt hơn công việc của mình.

Mỗi ngày, khi làm việc, tập ghi chép lại, chắc chắc sẽ có nhiều điều cần viết xuống.

02. Hỗ trợ đồng nghiệp, chia sẻ kiến thức

Có một câu nói rất thú vị về chia sẻ:

No one care how much you know until they know how much you care

Có rất là nhiều cách tạo ảnh hưởng, cho bản thân bạn và cho những người bạn quan tâm.

Chia sẻ là một chìa khóa an toàn nhất mà mình biết được.

Sau khi làm tốt hơn công việc chính, bạn sẽ tự tin hơn khi làm việc. Điều này đồng nghĩa với việc bạn có một số vốn kiến thức có thể chia sẻ cùng đồng nghiệp.

Bạn cũng có thể giúp hướng dẫn các bạn thực tập sinh, fresher vừa có thể ôn lại kiến thức, vừa xây dựng thêm kỹ năng trình bày vấn đề.

Mình nhận ra rằng mỗi người có một cách suy nghĩ vô cùng khác nhau, có thể một vấn đề mình thấy vô cùng đơn giản nhưng người khác lại nghĩ nó phức tạp và ngược lại. Đây là lúc mình bắt đầu tổng quát hóa những kiến thức mình có, tìm hiểu thêm để hiểu sâu hơn và có thể giải thích với người khác.

Bạn sẽ nhận ra học và hướng dẫn là hai công việc hoàn toàn khác nhau.

03. Đọc, học hàng ngày, hàng tuần

Đặc điểm của ngành là thay đổi chóng mặt.

Việc cập nhật các kiến thức mới hàng ngày sẽ giúp bạn khác biệt với những người khác.

Một số cách mình đang dùng và thấy khá hiệu quả:

– theo dõi các người nổi tiếng, xịn xò trong lĩnh vực của bạn trên twitter, facebook, …

– theo dõi các trang web công nghệ giúp bạn thường xuyên cập nhật

– đăng ký các newletters với chủ đề, lĩnh vực bạn quan tâm

– tham gia các nhóm, theo dõi các fanpage chuyên cập nhật công nghệ, tham gia các nhóm slack, …

04. Yêu thích công việc bạn làm và cứ thoải mái thôi (take it easy)

Cuối cùng, lại là một bước rất là quen thuộc trong các cuốn sách self-help 😂

Suy cho cùng, bạn hay mình đều dành 8 tiếng làm việc nơi công sở, hay ở nhà thì cũng trên máy tính. Học tập và làm việc, đi chơi là cuộc sống của tụi mình.

Nếu không yêu nó thì mình sống kiểu gì mới được, đúng không? ^^

Với công việc hay cả với blog này, rất nhiều lúc mình lười chứ, mình bỏ chứ, có khi bỏ bê mấy tháng trời ấy chứ, nhưng rồi mình lại tiếp tục, vì cuộc sống mình ở đây cơ mà.

Mình phát hiện ra là không thể cứ ngày nào cũng chăm chỉ đâu, lười là chuyện bình thường.

Hôm nào lười thì nghỉ, vài ba bữa nhớ lại viết lại. Có sao đâu, cũng đâu có gì quá quan trọng ^^

Khi nào muốn bỏ thì nhớ lại xem vì sao lại bắt đầu?


Bạn nào muốn bắt đầu blog thì hãy viết đi nha, tập viết note hàng ngày nhé.

Có thể tham khảo bài viết “Viết lách dành cho lập trình viên”

Hi vọng một số bước này có thể gợi ý thêm cho bạn nha, mình vẫn đang cứ thong thả mà đi ạ ^^.

Đây là infographic mình làm để mô tả các bước này, bạn có thể lưu về để xem lại nhé.